Bạn trẻ hướng nội liệu có thể theo ngành truyền thông hay không

(Dân trí) – Truyền thông là một lĩnh vực đòi hỏi sự năng động, nên nhiều bạn trẻ có tính cách hướng nội băn khoăn không biết có nên theo đuổi ngành nghề này hay không.

Truyền thông là một trong những ngành nghề hot nhất hiện nay và là mơ ước của nhiều bạn trẻ. Truyền thông là hoạt động trao đổi thông tin của con người thông qua âm thanh, hình ảnh, văn bản… nhằm truyền đạt một thông điệp nào đó. Hiện nay, truyền thông phát triển vô cùng mạnh mẽ và gồm nhiều nhánh như báo chí, marketing, quan hệ công chúng, quảng cáo…

Nhắc đến những người làm truyền thông, ta thường nghĩ đến những người có tính cách hướng ngoại, năng động, nhiều năng lượng và giỏi giao tiếp. Quả thật, “hướng ngoại” đem đến rất nhiều lợi ích cho người làm truyền thông và được xem như một lợi thế, vậy còn “hướng nội” – tính cách trái ngược hoàn toàn liệu có thật sự là một bất lợi? Những sinh viên ngành truyền thông có suy nghĩ thế nào về vấn đề này?

Ưu thế của người hướng nội khi làm truyền thông

Nguyễn Linh Trang – sinh viên ngành Quan hệ Công chúng, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nghề truyền thông yêu cầu tính nhạy bén và cập nhật. Bên cạnh đó, người làm truyền thông cũng cần những phút giây lắng mình, yên lặng suy ngẫm để rút ra ý nghĩa ẩn sau những điều mình vừa cập nhật. Đôi khi việc ở một mình, tách biệt với xung quanh sẽ giúp họ “sản sinh” thêm nhiều ý tưởng.

Linh Trang (sinh viên ngành Quan hệ Công chúng, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Việc hướng nội đôi khi sẽ khiến bạn khó bắt chuyện với người khác cũng như mở rộng các mối quan hệ. Nhưng bù lại, bạn sẽ có khả năng quan sát tinh tế và nhạy bén hơn những người khác và bộ óc biết phân tích hơn chẳng hạn.

Vì những người ít nói họ thường dành thời gian nhiều hơn cho việc nhìn và ngẫm nghĩ. Mình không có ý bảo các bạn hướng ngoại ít sâu sắc hơn, nhưng mình có thể nói đa phần các bạn hướng nội đều có cái nhìn và nội tâm khá phong phú. Đó cũng là một lợi thế lớn của các bạn”.

Vũ Hà Linh – sinh viên lớp Báo truyền hình Chất lượng cao, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Cùng chia sẻ về những ưu thế của người hướng nội khi theo đuổi ngành truyền thông, Hà Linh (sinh viên lớp Báo Truyền hình Chất lượng cao, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bày tỏ: “Với mình, hướng nội không phải là một bất lợi khi theo đuổi ngành truyền thông. Mặc dù ngành truyền thông rất cần sự giao lưu, gặp gỡ nhiều nhưng vẫn có những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và thiên về chiều sâu, phù hợp với những bạn hướng nội, ví dụ như nghiên cứu thông tin nhân viên, xây dựng nội dung sản phẩm, lên ý tưởng và sắp xếp kế hoạch truyền thông nội bộ, tìm kiếm nội dung…

Dù hướng nội hay hướng ngoại thì suy cho cùng ai cũng có điểm mạnh riêng của mình; và việc bạn có thể theo đuổi ngành truyền thông hay không không dựa trên tính cách mà phụ thuộc vào kỹ năng, niềm đam mê và những kiến thức mà bạn có”.

Thay đổi mình để theo đuổi truyền thông – nên hay không nên?

Phùng Khánh Linh – sinh viên Chuyên ngành Quan hệ Công chúng, trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Qua chia sẻ của những sinh viên truyền thông, không khó để thấy rằng người hướng nội vẫn có rất nhiều tiềm năng để theo đuổi ngành này. Tuy nhiên, với đặc thù rộng mở và không giới hạn, vẫn sẽ có những rào cản nhất định với người hướng nội khi làm truyền thông. Để có thể thích ứng với truyền thông, người hướng nội nên thay đổi như thế nào?

Trả lời cho câu hỏi này, Khánh Linh (sinh viên Chuyên ngành Quan hệ Công chúng – Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ: “Nếu những bạn hướng nội đã chọn học và làm truyền thông thì hẳn các bạn cũng có sự yêu thích với ngành nghề này, nên mình ủng hộ việc họ tiếp tục theo đuổi con đường mình đã chọn.

Thay đổi quan điểm sống và cách suy nghĩ sẽ rất khó trong thời gian đầu, tuy nhiên thay đổi cũng là cách để phát triển bản thân, tự cho mình cơ hội được khám phá và thử thách hơn. Thay đổi để thích nghi chứ không phải trở thành con người khác và đánh mất chính mình.

Nếu thực sự không thoải mái thì việc lựa chọn công việc khác chưa bao giờ là quá muộn với người biết cố gắng cả. Ai cũng có thể theo đuổi ngành truyền thông nhưng mọi nỗ lực đều phụ thuộc vào bản thân mỗi người”.

Tạ Kiều Ly – sinh viên ngành Truyền thông Quốc tế, Học viện Ngoại giao

Kiều Ly (sinh viên ngành Truyền thông Quốc tế – Học viện Ngoại giao) cũng chung quan điểm: “Nhà báo Diễm Quỳnh đã chia sẻ: “Làm truyền thông như sống trên đu quay”, những người làm truyền thông là những người với bộ não xoay vòng, luôn phải cập nhật thông tin một cách nhanh chóng, phải “cảm” được những chuyển biến rất nhỏ của cuộc sống”.

Vậy nên, dù bạn thiên về hướng ngoại hay hướng nội thì cũng cần có sự thay đổi chính mình để đáp ứng được những nhu cầu không chỉ của xã hội mà cả của cá nhân mình. Tuy nhiên, sự thay đổi mình muốn nói đến ở đây có thể thay bằng cụm từ “sự cố gắng”, việc bạn luôn cố gắng hoàn thiện mình trong lối sống hay tính cách – thứ tưởng chừng đã định cả đời, sẽ xuất hiện với một bản thể tốt nhất”.

Về bản chất, trong mỗi người đều có phần hướng ngoại và hướng nội, chỉ khác nhau rằng phần nào bộc lộ rõ ràng hơn. Truyền thông hay bất kì ngành nghề nào cũng đều cần những ưu điểm của cả người hướng ngoại và hướng nội. Vì vậy, những bạn trẻ hướng nội hoàn toàn có thể theo đuổi đam mê truyền thông của mình.

Ảnh: NVCC

ĐĂNG KÝ HỌC MARKETING TẠI ĐH THÁI NGUYÊN NGAY

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.