Học vượt cấp ở các nước trên thế giới

Trong series phim truyền hình “Big Bang Theory” của đài CBS, Mỹ, nhân vật chính Sheldon Cooper là một thần đồng với mức IQ 187.

Anh vào đại học năm 11 tuổi, tốt nghiệp thủ khoa năm 14 tuổi, và tốt nghiệp tiến sĩ năm 16 tuổi ở Đại học Caltech danh giá, trước khi bảo vệ luận văn tiến sĩ thứ hai năm 20 tuổi.

Những câu chuyện như của nhân vật Sheldon Cooper phản ánh một hiện thực không hiếm gặp trong hệ thống giáo dục các nước phát triển. Cho dù độ tuổi phổ biến để hoàn thành bậc phổ thông vẫn là 18, nhiều học sinh tốt nghiệp phổ thông, đại học, và cao học từ rất sớm.

Nghiên cứu bởi giáo sư Karen B. Rogers ở Đại học St. Thomas, bang Minnesota, Mỹ, chỉ ra rằng việc cho học sinh giỏi chuyển tiếp lên các cấp học cao hơn có ảnh hưởng tích cực tới kết quả học tập của các em.

Nghiên cứu khác của các giáo sư Gregory Park, David Lubinski và Camilla Benbow ở Đại học Vanderbilt, Mỹ, cho thấy những tài năng học vượt cấp có tỷ lệ tốt nghiệp tiến sĩ cao hơn, đặc biệt trong các ngành khoa học kỹ thuật; có số bài báo khoa học được công bố cao hơn; có nhiều bằng sáng chế được công nhận hơn.

Được cho phép học vượt cấp, Vicky Ngo vào đại học ở New Zealand khi mới 13 tuổi. Ảnh: NZ Herald

Vicky Ngo và em gái Alisa Phạm là những thần đồng gốc Việt được học vượt cấp. Em sang New Zealand năm 2018 để học lớp 7, trước khi được chuyển tiếp vượt cấp lên trường phổ thông năm 2019, và lên bậc đại học năm 2020, khi mới 13 tuổi. Dựa theo số tín chỉ đã đạt được, Đại học Công nghệ Ackland dự tính Vicky sẽ tốt nghiệp xuất sắc vào mùa đông năm 2022 với hai chuyên ngành Toán ứng dụng và Tài chính.

Alisa thậm chí còn vượt qua kỷ lục của chị gái để trở thành sinh viên nhỏ tuổi nhất Đại học Công nghệ Auckland, khi mới 11 tuổi.

Để được tốt nghiệp sớm ở các bậc học, mỗi đất nước có một quy định khác nhau. Trong hệ thống giáo dục New Zealand, nếu muốn học vượt cấp, các em cần được xem xét cụ thể và được sự đồng ý của Bộ trưởng Giáo dục. Người mẹ nuôi của Vicky Ngo và Alisa Phạm từng viết hơn 1.000 email đấu tranh để hai con được học vượt.

Ở Mỹ, cho dù học sinh bắt buộc phải tham gia các chương trình giáo dục cho đến khi đủ 16 hoặc 18 tuổi ở tùy bang, học sinh được phép chọn tốt nghiệp sớm để chuyển tiếp lên các bậc học cao hơn

Đầu tiên, học sinh cần nhận được sự tư vấn và đồng ý của hiệu trưởng hay các giáo viên phụ trách để tìm hiểu về các điều kiện tốt nghiệp. Những điều kiện này có thể bao gồm hoàn thành số lượng tín chỉ nhất định hay một số môn học bắt buộc. Tiếp theo, học sinh cần tìm hiểu về các kỳ thi tốt nghiệp cần thiết. Chỉ khi vượt qua những kỳ thi này với mức điểm cao, các em mới có thể được nhận vào các trường mong muốn.

Nhiều nước khác trên thế giới cũng có những chính sách tương tự để phát triển nhân tài. Ví dụ như ở Singapore, một nền giáo dục tiên tiến ở châu Á, một số học sinh xuất sắc có thể được học vượt cấp, theo Strait Times. Tuy nhiên, các em cần được sự đồng thuận từ nhà trường và Bộ Giáo dục Singapore, đặc biệt là từ Chương trình Giáo dục cho Học sinh Xuất sắc, và chỉ có một số lượng rất ít nhận được sự đồng thuận này. Mỗi học sinh sẽ được đánh giá theo từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, trong năm 2000, chỉ có 7 học sinh được chuyển tiếp lên cấp học cao hơn trên toàn Singapore.

Ở châu Âu, mặc dù Liên minh Châu Âu đã có những quy định và nhiều sự đồng thuận về chính sách giáo dục giữa các quốc gia, chính sách học vượt cấp vẫn gây ra sự chia rẽ ý kiến.

Một nghiên cứu ở Đại học Postdam, Đức, chỉ ra rằng trong hệ thống giáo dục của Đức có nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là từ các giáo viên phổ thông trực tiếp giáo dục trẻ nhỏ, về việc cho phép chuyển tiếp lên các bậc học cao hơn. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến lời khuyên mà các giáo viên này gửi tới gia đình học sinh, khiến việc học vượt cấp không quá phổ biến ở đây.

Trong khi đó, ở Hà Lan, dù không có quy định rõ ràng về việc phát triển học sinh xuất sắc, hơn 40% các trường tiểu học thực hiện phân chia học sinh theo trình độ để nhóm các học sinh xuất sắc thành một lớp, từ đó dạy cho các em theo chương trình khó hơn, hoặc đưa các học sinh xuất sắc chuyển tiếp lên các cấp học cao hơn.

Trong những cuộc thảo luận chính sách tại các chính quyền ở châu Âu, nhiều ý kiến trái chiều cho rằng việc cho học vượt cấp sẽ để lại hậu quả về phát triển tâm lý học sinh. Với các nước châu Âu, bên cạnh vấn đề học thuật, giáo dục còn bao hàm cả phát triển tâm lý và kỹ năng xã hội cho học sinh. Do vậy, học sinh và gia đình đều cần cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định học vượt cấp. Đồng thời, nhà trường và chính quyền địa phương cũng chỉ đồng thuận cho những trường hợp mà cả học sinh và gia đình hiểu rõ lợi và hại của việc học vượt.

Phan Nghĩa (Theo Conversation, Washington Post)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.