4.200 chỉ tiêu cho năm 2023, Học viện Tài chính “quyết” không xét tuyển sớm như nhiều trường khác

PV báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng ban Quản lý Đào tạo Học viện Tài Chính quanh công tác tuyển sinh năm nay của trường.

Không xét tuyển sớm để đảm bảo quyền lợi cho học sinh

Chia sẻ về tuyển sinh đại học năm 2023, PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng ban Quản lý Đào tạo Học viện Tài Chính cho biết: “Năm nay, trường giữ nguyên phương thức xét tuyển như năm 2022 vì phù hợp với sự chuẩn bị của thí sinh và phụ huynh. Tuy nhiên năm 2023 cũng có vài điểm thay đổi trong công tác tuyển sinh.

Về chỉ tiêu tuyển sinh, năm nay trường dự kiến tuyển 4.200 chỉ tiêu, tăng 200 so với năm 2022.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng ban Quản lý Đào tạo Học viện Tài Chính.

Thứ hai, năm nay trường xét tuyển thêm một đối tượng nữa là thí sinh giành huy chương về thể thao trong nước, khu vực và quốc tế như bóng bàn, cầu lông, tennis… Đây là những thí sinh tài năng, có tố chất trong xã hội và thể thao. Sau này sẽ là hạt nhân trong trường cũng như trong các đơn vị sau khi sinh viên tốt nghiệp. Tuy nhiên, để được xét tuyển thẳng, các em vẫn đảm bảo yêu cầu học lực đạt học sinh giỏi 3 năm THPT.

Điểm thứ ba, năm nay Học viện Tài chính cấp Học bổng Tài năng trị giá 150 triệu đồng toàn khóa học dành cho những thí sinh đạt giải quốc gia, quốc tế, đạt điểm 29 trở lên với phương thức thi tốt nghiệp THPT. Điều kiện là các em vẫn phải giành học lực giỏi ở các kỳ”.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch cho biết thêm, có 5 phương thức được trường áp dụng trong tuyển sinh năm nay là:

– Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GDĐT. 

– Xét tuyển học sinh giỏi THPT. 

– Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023. 

– Xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023. 

– Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2023. 

PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch nhấn mạnh: “Với Học viện Tài chính, phương thức xét tuyển học sinh giỏi THPT không phải xét học bạ đơn thuần mà kết hợp 2 tiêu chí kết quả học tập với những thành tích đạt được là thí sinh đạt giải tỉnh, quốc gia, quốc tế trong cuộc thi chọn học sinh giỏi và thi khoa học kỹ thuật. 

Với phương thức này, những năm qua Học viện đã tuyển được những thí sinh đạt chất lượng đầu vào cao bởi các em hội tụ học lực giỏi, hạnh kiểm tốt, đồng thời có khả năng vượt trội hơn tại các kỳ thi. 

Cần phải nói thêm, đây không phải xét tuyển sớm như một số trường. Học viện xét phương thức này nhằm tăng cơ hội tuyển sinh cho các em. Nhiều thí sinh và phụ huynh thắc mắc tại sao trường không xét tuyển sớm. Chúng tôi làm vậy để bảo vệ quyền lợi của bản thân thí sinh và giúp Học viện lựa chọn được thí sinh có đầu vào cao.

Khi các cơ sở đào tạo xét tuyển sớm sẽ có nhiều tình huống xảy ra ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Khi tỉ lệ ảo của trường dự kiến không trùng với tỉ lệ ảo thực thì lợi ích của thí sinh bị vi phạm.

Giả định tỉ lệ ảo là 50%. Như vậy, trường muốn tuyển 1.000 chỉ tiêu thì phải gọi lên 1.500 em để đưa vào danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Thí sinh dựa vào đó sẽ đăng ký trên cổng của Bộ GDĐT. Nhưng thực tế tỉ lệ ảo chỉ có 25% thì thí sinh nhập học sẽ là 1.250, vượt 250 em. Cơ sở đào tạo thừa chỉ tiêu khi xét tuyển sớm lại phải giảm chỉ tiêu ở các phương thức khác đi.

Nếu tỉ lệ ảo vượt 75%, số trúng tuyển gọi có 750 thí sinh. Những thí sinh xếp từ 1.500-1.750 bị thiệt vì không trúng tuyển đã phải đăng ký trường khác. Việc xét tuyển sớm khiến bản thân lợi ích thí sinh bị vi phạm, tỉ lệ ảo khiến cơ sở không tuyển được thí sinh chất lượng cao. 

Ngoài ra, xét tuyển sớm cũng gây thiệt thòi cho thí sinh khi chỉ trúng tuyển vào ngành đó thôi. Trong khi đó, thí sinh muốn vào học tại trường không đăng ký nguyện vọng này có thể chọn nguyện vọng khác. Chúng tôi đặt lợi ích của thí sinh lên hàng đầu rồi mới đến Học viện để đưa ra các phương thức xét tuyển”.

Học viện Tài chính dự kiến tuyển sinh 4.200 chỉ tiêu cho năm 2023.

Chọn trường hay chọn ngành

Liên quan đến vấn đề lựa chọn ngành nghề phù hợp, PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch cho biết: “Lựa chọn ngành nghề hiện nay theo các tiêu chí năng lực, sở trường, sở thích của thí sinh và định hướng của bậc phụ huynh. 

Khi đăng ký xét tuyển đại học có 2 tệp thí sinh: Thí sinh chọn trường và thí sinh chọn ngành. Nghĩa là thí sinh thích trường nào thì sẽ đăng ký nhiều nguyện vọng vào các ngành của trường đó. Còn thí sinh chọn ngành thì đăng ký vào ngành đó ở nhiều trường khác nhau. 

Dù chọn trường hay chọn ngành, thí sinh cũng hãy cân nhắc cẩn trọng theo năng lực bản thân, khả năng của gia đình và nhu cầu nhân lực trong tương lai khi ra trường ngành đó sẽ thế nào…”.

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.