Trong xu thế hội nhập, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ chung của toàn cầu. Hiện thế giới có trên 50 quốc gia sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính, gần 80 quốc gia sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Trong tất cả các lĩnh vực từ kinh doanh, thương mại, truyền thông cho đến du lịch, ngoại giao,… tiếng Anh đều đóng vai trò là ngôn ngữ rất quan trọng.
Ngôn ngữ Anh là ngành học phổ biến nhưng không có nghĩa lĩnh vực này đã “bão hòa” như nhận định của một số người. Thực tế thì số lượng người chọn học Ngôn ngữ Anh đông đảo là thế nhưng có mấy ai đủ kiên trì và nỗ lực để sở hữu trình độ vượt bật hơn người? Vì lẽ đó nên nhóm người có trình độ Anh ngữ điêu luyện luôn hạn chế trong khi thị trường lao động lúc nào cũng khát nguồn nhân lực chất lượng cao. Vậy nên nếu bạn chịu khó theo đuổi lĩnh vực này một cách tâm huyết thì chắc chắn luôn có “đất dụng võ” dù thiên hạ có bao người đổ xô chọn học Ngôn ngữ Anh thế nào đi chăng nữa.
Ngành Ngôn ngữ Anh là dạy những gì?
Ngành Ngôn ngữ Anh thường có ba mục đích đào tạo chính là giúp người học sử dụng tiếng Anh chính xác, đào sâu phân tích vẻ đẹp của tiếng Anh và cuối cùng là dùng tiếng Anh như một công cụ để kiếm sống.
1. Sử dụng tiếng Anh chính xác:
Trước khi có thể dùng tiếng Anh một cách bóng bẩy thì bạn cần phải sử dụng đúng cách nên ngành Ngôn ngữ Anh sẽ trang bị cho bạn các kiến thức cơ bản và chi tiết nhất có thể của cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Chẳng hạn nghe người bản xứ nói chuyện phải biết họ luyến láy chỗ nào để hiểu đúng nghĩa. Khi nói thì phải phát âm rõ ràng để đối phương không hiểu lầm. Đọc một văn bản bạn cần phải nắm được ý chính của tác giả và viết một câu văn hay bài luận thì phải đảm bảo đúng ngữ pháp, chính tả và dấu câu.
Tuy nhiên bạn sẽ chỉ được học những kiến thức này trong các chương trình đào tạo tại Việt Nam hoặc các quốc gia không nói tiếng Anh khác. Còn nếu bạn chọn du học ngành Ngôn ngữ Anh tại các nước có ngôn ngữ chính là tiếng Anh thì học phần này sẽ được lược bỏ vì sinh viên bản xứ đã được trang bị các kiến thức cơ bản tương tự từ bậc phổ thông. Để được nhập học tại các quốc gia này bạn cũng phải có điểm số bài thi tiếng Anh chuẩn hóa đạt yêu cầu nên tất nhiên không cần học lại những điều trên.
2. Phân tích vẻ đẹp của tiếng Anh:
Sau khi có nền tảng tiếng Anh tốt thì bạn sẽ được khám phá sâu hơn về vẻ đẹp của tiếng Anh thông qua các tác phẩm văn học, thơ ca hay âm nhạc tương tự như ngày xưa bạn học Ngữ Văn thời cấp ba. Học ngôn ngữ nào cũng thế, bạn phải sở hữu vốn liếng từ ngữ và cả kinh nghiệm sống nhất định về các lĩnh vực khác trong cuộc sống như chính trị, xã hội, khoa học,… thì mới có thể hiểu được sự tinh tế trong cách dùng từ của tác giả.
Ngôn ngữ gắn liền với đời sống nên hiểu biết của bạn càng nhiều thì vốn từ của bạn càng dồi dào. Vì lẽ đó nên trong chương trình học Ngôn ngữ Anh ngoài các tác phẩm nghệ thuật bất hủ của Anh hay Mỹ thì bạn sẽ được đọc thêm vô số tài liệu chuyên ngành khác. Nhờ được đọc các bài viết với chủ đề đa dạng mà sau khi tốt nghiệp bạn sẽ có kiến thức nền tảng tốt để có thể phát triển thêm.
3. Công cụ kiếm sống:
Kết thúc quá trình củng cố nền móng tiếng Anh vững chắc thì bạn sẽ được học cách để khai thác các kiến thức đã học cho việc kiếm sống. Lúc này bạn sẽ được học các kỹ năng chuyên môn như giảng dạy tiếng Anh, biên phiên dịch, viết lách hay nói trước công chúng. Các kỹ năng này sẽ giúp bạn kiếm tiền nên tất nhiên yêu cầu sẽ phải cao hơn chứ không dừng lại ở mức cơ bản. Chẳng hạn như dạy tiếng Anh đúng thôi chưa đủ mà phải sinh động và lôi kéo người học; viết không chỉ cần đúng cấu trúc mà còn phải hấp dẫn, dễ đọc và khuyến khích người khác mua hàng; hay nói chuyện không chỉ rõ ràng mà còn phải thuyết phục và có duyên.
Những kỹ năng trên đều cần thời gian để luyện tập nên ngành học sẽ chỉ đưa cho bạn các tiêu chuẩn đánh giá còn mỗi sinh viên có nhiệm vụ phải tự nỗ lực mày mò để có được bản sắc riêng của mình trong việc sử dụng ngôn ngữ nhằm cạnh tranh với người khác. Hàng ngàn hàng vạn người sử dụng tiếng Anh mỗi ngày thì bạn buộc phải tìm ra được phong cách riêng để không bị lu mờ và giành được nhiều cơ hội trong nghề nghiệp.
Tại sao nên học Ngành Ngôn ngữ Anh?
Công cụ không bao giờ bị lỗi thời
Dù thời thế có thay đổi ra sao thì tiếng Anh vẫn luôn được xem trọng và mang lại lợi ích cho thế giới. Nếu bạn không chịu khó trau dồi và luyện tập ngôn ngữ hàng ngày thì chắc chắn sẽ bị “lụt nghề” nhưng bản thân tiếng Anh lúc nào cũng có chỗ đứng nhất định trong thị trường lao động. Chẳng hạn như các trung tâm luyện thi IELTS hay TOEFL tại Việt Nam bao năm qua vẫn sôi động và nhộn nhịp. Các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày một nhiều nên chắc chắn sẽ ưu tiên tuyển dụng các nhân sự biết tiếng Anh. Các doanh nghiệp trong nước muốn mở rộng thị trường hoạt động ra quốc tế vẫn cần nhân lực sõi tiếng Anh để đàm phán và thương thảo. Ngay cả khi bạn muốn ở lại nước ngoài để làm việc thì tiếng Anh thượng thừa là điều bắt buộc để bạn đủ sức cạnh tranh với dân bản địa.
Nhiều việc làm phù hợp với Ngành Ngôn ngữ Anh
Liệt kê sơ sơ thì bạn có thể làm các công việc như giáo viên tiếng Anh, viết báo, chuyên viên quảng cáo, hướng dẫn viên du lịch, biên tập viên,… Bạn đã có vốn ngôn ngữ trong tay thì có thể tự học thêm bất kỳ lĩnh vực nào khác để có thể theo đuổi con đường sự nghiệp mình muốn.
Ngành học an toàn
Tiếng Anh rất hữu dụng trong cuộc sống nên dù bạn không thích ngành học này lắm thì các kiến thức được học không bao giờ trở nên vô nghĩa. Đây chính là lý do Ngôn ngữ Anh thường được lựa chọn bởi các bạn trẻ chưa biết mình thực sự thích gì để tương lai vẫn phần nào được đảm bảo.
Ai phù hợp với ngành Ngôn ngữ Anh?
Yêu ngôn ngữ
Nếu bạn yêu tiếng Việt thì bạn rất phù hợp để học Ngôn ngữ Anh. Tiếng Việt sẽ góp phần giúp quá trình theo học Ngôn ngữ Anh của bạn trở nên thăng hoa hơn nhờ có sự so sánh, đối chiếu và phân tích sự giống và khác biệt giữa hai ngôn ngữ. Từ đó bạn sẽ vỡ lẽ ra nhiều điều thú vị mà nếu bạn không thích ngôn ngữ nói chung hay tiếng Việt nói riêng sẽ không thể có được.
Thích đọc
Đọc là một kỹ năng rất đỗi quan trọng để bạn nâng cao vốn từ, học hỏi cách lập luận và cải thiện khả năng viết lách. Một người sử dụng ngôn ngữ điêu luyện chắc chắn phải siêng đọc. Nếu bạn thấy mình có sở thích đọc tất tần tật mọi thứ trên đời thì khả năng cao là bạn sẽ có thể tỏa sáng trong lĩnh vực Ngôn ngữ Anh.
Thích kể chuyện
Không cần quá đặt nặng văn viết hay văn nói, miễn bạn là người lúc nào cũng khao khát giải tỏa cảm xúc hay chia sẻ những câu chuyện của mình thì Ngôn ngữ Anh sẽ trao cho bạn công cụ để bạn thực hiện điều đó tốt hơn. Những bí quyết viết sao cho ấn tượng hay kể chuyện sao cho lôi cuốn thậm chí còn có thể áp dụng khi bạn dùng tiếng Việt.
Mức lương của ngành Ngôn ngữ Anh
Tùy thuộc vào công việc mà bạn chọn mà sẽ nhận mức thu nhập khác nhau nhưng có một điều chắc chắn là nếu chỉ xét cùng một công việc mà bạn có thể sử dụng lưu loát tiếng Anh thì mức lương nhận được sẽ cao hơn so với người chỉ biết tiếng Việt. Ví dụ như với vị trí nhà báo, nếu bạn biết tiếng Anh thì sẽ có thể tiếp cận với nguồn thông tin nhanh chóng hơn, khả năng phỏng vấn mọi người tốt hơn và được cân nhắc cử đi công tác nhiều hơn nên chung quy thu nhập của bạn sẽ cao hơn.
Tóm lại là bạn chỉ cần cố gắng trau dồi tiếng Anh cho tốt nhất có thể thì không có nhà tuyển dụng nào tiếc tiền để trả lương cao nhằm giữ chân nhân tài như bạn. Tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ mà nhiều khi chúng ta còn sai lên sai xuống nên để giỏi chuyên sâu một ngoại ngữ chắc chắn không dễ. Nếu bạn muốn có thu nhập cao dựa trên năng lực tiếng Anh thì phải chấp nhận chịu khổ luyện và cố gắng hơn người khác không-ngừng-nghỉ.