Lịch sử ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam, diễn ra trong bối cảnh những năm 1949 – 1950, khi phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên các đô thị diễn ra liên tục, rầm rộ và rộng khắp. Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất, tháng 2 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 09 tháng 01, hàng năm làm Ngày truyền thống học sinh – sinh viên. Dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội sinh viên Việt Nam đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ lịch sử cách mạng, là niềm tự hào của thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường sau Cách mạng Tháng Tám 1945: “… Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em…” và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo đã cổ vũ học sinh, sinh viên nước ta thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt và tình nguyện chung sức cùng cộng đồng.
Học sinh, sinh viên là một bộ phận cốt yếu và chứa đựng tiềm năng trong xã hội. Đây là lực lượng những con người đang ở độ tuổi tràn trề sức sống và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Đồng thời cũng là những thế hệ có ước mơ và sẵn sàng theo đuổi lý tưởng, đam mê của mình. Tại Việt Nam, theo chiều dài của lịch sử cho tới hiện nay, học sinh- sinh viên luôn đóng vai trò quan trọng, góp công sức không nhỏ trong suốt quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là thành quả to lớn của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, trong đó các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên có nhiều đóng góp xứng đáng, với biết bao tấm gương anh dũng, kiên cường đã được khắc ghi vào lịch sử dân tộc.
Sau cách mạng Tháng Tám,học sinh, sinh viên hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xung kích thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm do Bác Hồ và Chính phủ đề ra. Ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội đã thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Ngày 09/01/1950, Đoàn thanh niên Cứu Quốc và Đoàn học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn đã tổ chức vận động trên 10.000 Nhân dân, trong đó đông đảo nhất là học sinh, sinh viên xuống đường. Với hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường tại Sài Gòn như Pétrus Ký, Gia Long, Huỳnh Khương Ninh, trường Đại học Y Dược, Pháp Lý, các trường chuyên nghiệp vô tuyến điện, công chính, kỹ thuật, khoa học,… cùng nhiều giáo viên biểu tình đòi bảo đảm an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt, trong đó có Ban lãnh đạo học sinh cứu quốc Sài Gòn .
Trần Văn Ơn – người thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của học sinh, sinh viên, sau khi đã dũng cảm hứng chịu những xô đẩy và dùi cui để che chở cho các em học sinh nhỏ tuổi hơn đã bị trúng đạn. Anh hy sinh vào lúc 15 giờ 30 phút chiều ngày 09/01/1950 khi chưa tròn 19 tuổi. Cái chết của anh đã gây tiếng vang lớn, có tác động rộng khắp trong phong trào đấu tranh của dân chúng Sài Gòn sau đó.
Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất, tháng 2 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 09 tháng 01 hàng năm làm Ngày truyền thống học sinh – sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (22-23/11/1993) tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 09 tháng 01 làm Ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.
Ngày truyền thống học sinh- sinh viên là dịp nhìn lại hơn nửa thế kỷ qua, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội sinh viên Việt Nam đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ lịch sử cách mạng, là niềm tự hào của thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay. Với tình hình đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn thế giới và ở Việt Nam từ 2019 đến nay, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, dưới sự lãnh đạo toàn diện, sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, hai năm qua, học sinh -sinh viên, đoàn viên, thanh niên cả nước đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước tích cực tham gia, hỗ trợ người dân phòng chống dịch.
Ngày nay, chúng ta đang sống trong một xã hội tốt đẹp kế thừa từ những thành tựu vun đắp của các thế hệ và học sinh, sinh viên đi trước. Chúng ta được hưởng sự bình đẳng, đều có những quyền và nghĩa vụ cơ bản như nhau. Vì thế, chúng ta có cơ hội phát huy mọi khả năng sức lực và trí tuệ của mình. Mỗi người đều có bổn phận, đồng thời phải tự nâng cao năng lực, rèn luyện nhân cách sao cho xứng đáng với bổn phận đó. Để làm được điều này, ai ai cũng phải có nghị lực, có trách nhiệm và đạo đức. Tại các tỉnh thành, mỗi dịp kỷ niệm ngày Truyền thống Học sinh, Sinh viên Việt Nam 9/1, các cấp các ngành, trường đại học cũng như trung học đều có các hình thức hoạt động, tổ chức vinh danh sinh viên, học sinh 5 tốt, với không chỉ những thành tích xuất sắc trong học tập mà còn trong công tác Đoàn, phong trào thanh niên, thực hiện nghĩa vụ và hoạt động cộng đồng.