Làm sao để không lạc lối giữa “ma trận” ngành nghề

Làm sao để không lạc lối giữa "ma trận" ngành nghề

Kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2022 đang bước vào giai đoạn cao điểm. Trước vô số những thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau, nhiều thí sinh và phụ huynh cảm thấy như lạc vào “ma trận”trước việc chọn ngành, chọn nghề phù hợp. Liệu các thí sinh chưa tròn 18 tuổi có đủ tự tin và bản lĩnh để đưa ra lựa chọn đúng đắn? Rồi lỡ chọn sai, ai sẽ chịu trách nhiệm cho tương lai của họ?

Để giúp đỡ cho phụ huynh và thí sinh có thêm đầy đủ thông tin, daihoctructuyen.com.vn sẽ có những chia sẻ đa chiều, khách quan về thực tế đào tạo của các trường, với hi vọng giúp phụ huynh và thí sinh có thể sáng suốt lựa chọn, hoặc thêm tự tin với lựa chọn nghề nghiệp, tránh vấp phải một số bẫy truyền thông hoặc tư duy, ảnh hưởng không tốt tới tương lai.

Bẫy thứ nhất: Chọn ngành HOT và dễ xin việc làm

Xu thế tự chủ mở ngành và chạy theo số lượng tuyển sinh dẫn tới việc các Trường mở ra các ngành rất thời thượng và tên gọi rất hấp dẫn. Điểm sơ qua chúng ta có thể nhắc đến ngành PR, ngành Logistic, ngành Fintech, ngành Trí tuệ nhân tạo (AI), ngành Thiết kế xanh, ngành Thương mại điện tử, ngành Quản trị môi trường doanh nghiệp … Nếu để ý, cách đây 10 năm xu thế cũng như vậy cho các ngành Quản trị kinh doanh, Ngân hàng, Kinh doanh quốc tế, Kiểm toán… dẫn tới hệ quả là cung vượt cầu, chưa kể là các ngành quá chuyên sâu, dẫn đến sự thiếu linh hoạt trong chuyển đổi ngành nghề, hoặc thiếu kiến thức tổng quát để có thể hoàn thành yêu cầu công việc.  

Bẫy thứ 2: quảng cáo chỉ là quảng cáo

Ngoại trừ một số trường lớn định vị luôn là đại học nghiên cứu, đại đa số các trường đại học đều quảng cáo mình là đại học ứng dụng, thực tiễn, dạy học đi đôi với việc làm. Thực sự khi quan tâm chọn trường, phụ huynh và thí sinh phải tìm hiểu rất kỹ thông qua website, facebook, cộng đồng, sinh viên, cựu sinh viên, hoặc cả confession của Trường mới có đầy đủ thông tin. Thực tế, rất ít thầy cô được/có đi làm/ trải nghiệm tại môi trường kinh doanh; hoặc rất ít trường có đủ cơ sở vật chất/ phòng thí nghiệm, mô phỏng được như bên ngoài doanh nghiệp. Do đó; một là các trường phải đầu tư rất lớn cho cơ sở vật chất và đội ngũ, hoặc là phải có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và sâu rộng với doanh nghiệp, khi đó lời hứa đào tạo gắn với việc làm mới có giá trị.

20.000 việc làm từ xa hỗ trợ sinh viên Việt Nam. Ảnh: Dương Triều.

Bẫy thứ 3: tư vấn không vì người học

Bối cảnh CMCN 4.0 và Khủng hoảng Covid 19 đã làm thay đổi toàn diện xã hội và bức tranh đào tạo đại học. Nếu tư duy cũ, đào tạo đại học sẽ đào tạo được một con người đạt chuẩn, sẵn sàng cho thị trường lao động đã không còn đúng nữa. Cách các trường và Bộ GDĐT quản lý danh mục ngành nghề như hiện tại đã bộc lộ điểm yếu ở tính linh hoạt và năng lực dự báo. Đơn cử như các ngành đang hot hiện tại như Food Reviewer, Vlogger, Game Streamer… lại không thuộc một khối ngành cụ thể nào nhưng lại đòi hỏi kiến thức liên ngành và năng khiếu rất nhiều.  

Như vậy, việc tư vấn không phải là gượng ép “chào bán” một ngành nghề nào đó cho thí sinh và phụ huynh, mà phải trở thành người bạn, người cố vấn, người dẫn đường, giúp thí sinh hiểu rõ bản thân, năng lực, nguồn lực, đam mê, sở thích… để rồi họ tự chọn, tự tìm ra lộ trình nghề nghiệp tương lai, bắt đầu từ việc lựa chọn đúng môi trường học tập phù hợp.  

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.