(HVTC) – Chiều 18/3/2023, tại Học viện Tài chính, NGƯT. GS.TS.Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã đến thăm và tham dự Tọa đàm cựu sinh viên về chiến lược phát triển Học viện Tài chính chính giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045.
Tham dự buổi Tọa đàm, về phía khách mời có NGƯT. GS.TS. Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; các Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn; Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái; Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng; Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa; Đại diện các doanh nghiệp, đơn vị đối tác; đại diện cựu sinh viên Học viện Tài chính các khóa.
Về phía Học viện Tài chính có NGND. PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ – Uỷ viên BTV Đảng ủy Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; PGS. TS. Nguyễn Đào Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường; NGƯT. PGS. TS. Trương Thị Thuỷ – Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện; NGƯT.PGS.,TS. Nguyễn Vũ Việt – Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn; TS. Nguyễn Văn Bình – Phó Giám đốc Học viện; lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện và đại diện sinh viên.
Tham dự còn có các nhà giáo lão thành nguyên lãnh đạo Học viện Tài chính qua các thời kỳ: GS.TSKH Trương Mộc Lâm – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội; NGND. GS.TS. Vũ Văn Hóa – nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội, nguyên Giám đốc Học viện; NGND. GS.TS. Ngô Thế Chi, nguyên Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Tài chính; NGƯT. PGS.,TS. Nguyễn Đăng Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng trường; các Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Giám đốc Học viện qua các thời kỳ.
Phát biểu mở đầu, NGND. PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ – Uỷ viên BTV Đảng ủy Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Tài chính đã ôn lại lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển. Các thế hệ thầy trò Học viện luôn nỗ lực gây dựng, gìn giữ và phát huy truyền thống để xây dựng Học viện, uy tín và thương hiệu của Học viện ngày càng được nâng lên. Trong những năm gần đây, số sinh viên ra trường có việc làm luôn ở mức trên 98%; hơn 300 công bố quốc tế mỗi năm trong đó gần 100 trong chỉ mục ISI, scomput; dự án 11 ha mở rộng Học viện bắt đầu đi vào sử dụng những hạng mục đầu tiên. Học viện đang thực hiện đánh giá ngoài cơ sở đào tạo chu kỳ 2, đã có Chương trình đào tạo ngành Kế toán đạt chuẩn kiểm định chất lượng với hơn 90% số tiêu chí đạt trên 4,0 điểm. NGND. PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ cũng khẳng định, Học viện sẽ tiếp tục kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, khai thác và phát huy tiềm lực trong đào tạo chất lượng cao, trình độ cao thích ứng và đáp ứng yêu cầu và nhu cầu nền kính tế trí thức và cách mạng 4.0 trong môi trường số, môi trường xanh. Đồng thời Học viện nỗ lực đổi mới quản trị đại học, tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình xã hội, tạo môi trường cởi mở, sáng tạo và hội nhập quốc tế nhằm thu hút các thanh niên ưu tú, học giả xuất sắc trong nước và ngoài nước đến tu nghiệp và hợp tác nghiên cứu. Để làm được điều đó, Học viện mong muốn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo từ Quốc hội đến Chính phủ, các Bộ và đặc biệt là Bộ Tài chính, sự phối hợp của các cấp, các ngành từ Trung ương đến các địa phương, sâu sát nhất là TP. Hà Nội; sự đồng hành của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức nghề nghiệp, sự đóng góp cả vật chất, tinh thần, ý tưởng của các doanh nhân, nhà nghiên cứu, các cựu sinh viên, học viên, NCS của HV, hơn hết là sự nỗ lực cố gắng của toàn thể cán bộ viên chức và sinh viên Học viện.
Phát biểu tại Tọa đàm, NGƯT. GS..TS.Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ sự xúc động, niềm tự hào khi về thăm Học viện Tài chính, được gặp lại các thầy cô giáo cũ, tham dự tọa đàm và cùng ôn lại những kỷ niệm sâu sắc trong những năm tháng nhiều gian truân, vất vả trước đây khi còn là sinh viên, giảng viên và Phó hiệu trưởng nhà trường. Chủ tịch Quốc hội chúc mừng những thành tựu quan trọng của Học viện đã đạt được trong thời gian qua và nhắc lại kỷ niệm 50 năm thành lập trường, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo nhà trường trong nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển Học viện Tài chính về sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi… Chủ tịch Quốc hội chia sẻ thêm về sứ mệnh “Cung cấp các sản phẩm đào tạo, nghiên cứu khoa học tài chính –kế toán chất lượng cao cho xã hội”, giá trị cốt lõi “Chất lượng – Uy tín – Hiệu quả – Chuyên nghiệp và Hiện đại” của Học viện. Qua đó, Chủ tịch Quốc hội đưa ra những những định hướng chỉ đạo về quá trình tổ chức, triển khai chiến lược, gợi mở Học viện Tài chính nên xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cho khoảng 10 năm trước mắt, có thể đến năm 2030 hoặc đến mốc kỷ niệm 70 năm thành lập, từ đó xác định những mục tiêu cụ thể hơn, khả thi hơn với danh mục chi tiết các nhiệm vụ phải thực hiện. Bày tỏ tâm đắc với triết lý giáo dục “Công dân toàn cầu trong một thế giới thay đổi” mà Học viện đã xác định, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, điều này rất phù hợp với một thế giới đang có nhiều biến chuyển nhanh chóng và sâu sắc như hiện nay nhưng cần cụ thể hóa hơn nữa triết lý này, xác định rõ những giá trị cốt lõi, bất biến của Học viện là gì để thích ứng linh hoạt và hiệu quả. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý những tác động sâu sắc của kỷ nguyên số, của cuộc cách mạng công nghệ đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Với những ngành nghề đào tạo cũ, Học viện cũng phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, công nghệ mới, liên tục cập nhật tri thức, nội dung giảng dạy và đổi mới phương pháp giảng dạy; chú trọng nghiên cứu và mạnh dạn đào tạo những ngành mới, tiên phong. “Trong thời đại công nghệ số, chúng ta có thể lạc quan, bởi công nghệ có thể đưa các trường có trình độ phát triển khác nhau về cùng điểm xuất phát. Tương lai không phải là đường kéo dài của quá khứ mà sẽ là sự phát triển nhảy vọt, đột phá. Đây là cơ hội của chúng ta. Mỗi thành viên trong hệ sinh thái của Học viện phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo, tận dụng công nghệ phát triển”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Gợi ý thảo luận thêm về ngành nghề đào tạo, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên thế giới và trong nước có nhiều hướng đi khác nhau. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, nếu không mạnh dạn đào tạo những ngành mới thì sẽ không bao giờ có tiên phong, sẽ không có được những chuyên gia đầu tiên. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Học viện Tài chính cần nghiên cứu để có định hướng đào tạo trong thời gian tới. “Đối với những ngành đào tạo cũ phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, công nghệ mới, tạo ra thay đổi mới. Bên cạnh đó, trong bối cảnh phát triển khoa học, công nghệ, giao thoa giữa tài chính và công nghệ thì những bài giảng, bài toán quản trị cũng cần được cập nhật, thay đổi. Trong kỷ nguyên số, nhiều nội dung phải thay đổi, công nghệ cho phép thay đổi công nghệ đào tạo, thay đổi nội dung và phương pháp đào tạo. Thời đại thay đổi chúng ta phải thích ứng, từ đó thiết kế ngành nghề, chương trình phù hợp với định hướng phát triển” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để Học viện thực hiện Chiến lược phát triển đã đề ra, đóng góp ngày càng xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhìn nhận lại 60 năm xây dựng, phát triển Học viện, một trong những điểm mạnh, cốt lõi của Học viện Tài chính là đào tạo ngành tài chính và kế toán mà “Tài chính như mạch máu lưu thông đến với bao công trình”, “Kế toán là môn mang tính kỹ thuật, định lượng”. Cùng với đó, một giá trị truyền thống của Học viện là tinh thần không bao giờ lùi bước, không bao giờ chịu khuất phục trước khó khăn. Tinh thần này đã hun đúc, rèn luyện cho các thế hệ sinh viên từ khi còn trên ghế nhà trường đến khi ra ngoài xã hội, vươn lên, càng trong khó khăn, gian khổ lại càng thương yêu nhau nhiều hơn. Vì thế, Học viện cần phát huy hơn nữa tinh thần này. Nhấn mạnh vấn đề cuối cùng và quan trọng nhất vẫn là con người, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Học viện Tài chính nên có thêm chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, huy động chuyên gia tham gia giảng dạy; sớm hình thành mạng lưới cựu sinh viên, cựu giáo chức, từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp, coi đây là một thành viên trong hệ sinh thái của Học viện; sớm thành lập quỹ học bổng của nhà trường dành cho sinh viên nghèo, sinh viên xuất sắc; tiếp tục phát huy vai trò của Học viện trong phản biện, hiến kế cho Quốc hội, Chính phủ.
Tại Tọa Đàm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng bày tỏ niềm tự hào về Học viện Tài chính – cái nôi tạo những thế hệ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng – Nhà nước cũng như sự phát triển về mọi mặt của Học viện trong 60 năm qua. Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội để phát triển ngành Tài chính trong tương lai và khẳng định, với vai trò là cơ quan chủ quản của Học viện Tài chính, Bộ Tài chính sẽ quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để Học viện phát triển bền vững, trở thành cơ sở đào tạo hàng đầu khu vực và quốc tế. Về chiến lược phát triển Học viện, Bộ Tài chính cần tập trung vào những ngành thế mạnh của mình như thuế, Tài chính công, tài chính doanh nghiệp, kế toán, kiểm toán… – những ngành nghề độc lập và mở rộng, phát hiện, liên kết trong đào tạo, NCKH. Trước mắt, Học viện cần tập trung hoàn thiện cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ để tạo điều kiện thúc đẩy đổi mới, phát triển về mọi mặt.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tặng quà tập thể cán bộ, viên chức, lãnh đạo Học viện và các nhà giáo lão thành nguyên là lãnh đạo Học viện Tài chính qua các thời kỳ. Trước đó, Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn đã đến tham quan khu Dự án mở rộng Học viện Tài chính, thăm phòng Truyền thống của trường.
Tọa đàm là hoạt động mở đầu trong chuỗi các hoạt động chào mừng 60 năm xây dựng và phát triển của Học viện Tài chính. Đây là cơ hội để gặp mặt, tri ân các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện Tài chính và tiếp thu những đóng góp, hiến kế để xây dựng và phát triển Học viện Tài chính theo Chiến lược, tầm nhìn được xây dựng.
Một số hình ảnh khác:
Nguồn: HTVC